TIN KINH TẾ - XÃ HỘI
Tuần qua (13-19/9), bên cạnh những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thế giới diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý như: Sự ra đời của liên minh thế hệ mới tại Ấn Độ - Thái Bình Dương mang tên AUKUS, các cuộc bầu cử đang diễn ra sôi nổi ở Nga và Nhật Bản... Trong đó, thông điệp mang tính điểm nhấn vẫn là sự sẻ chia, đoàn kết để cùng nhau chiến thắng kẻ thù chung là đại dịch COVID-19.
Thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine COVID-19
Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP) |
Trong một tuyên bố chung công bố ngày 16/9, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bày tỏ lo ngại thế giới sẽ không thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số toàn cầu vào cuối năm 2021 nếu không có hành động khẩn cấp. Qua đó, lãnh đạo các tổ chức quốc tế kêu gọi các quốc gia có tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 cao tăng cường chia sẻ vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nhằm đẩy mạnh tiêm chủng trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.
Những người đứng đầu các tổ chức đa phương trên cho biết, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hiện đã đặt mua nhiều hơn 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 so với nhu cầu. Bởi vậy, các nước trên nên khẩn trương chuyển đổi kế hoạch giao nhận vaccine trong ngắn hạn để chuyển cho các chương trình phân phối vaccine toàn cầu, giúp giải quyết những khác biệt trong tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 vốn còn thấp ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nhóm cũng kêu gọi các quốc gia có thu nhập cao thực hiện đầy đủ các cam kết tài trợ vaccine và tạo điều kiện để các nhà sản xuất có thể cung cấp vaccine đến những người có nhu cầu một cách thuận lợi...
Thông điệp về chia sẻ bình đẳng vaccine được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt đầu xây dựng kế hoạch mở cửa trở lại sau một thời gian dài phong tỏa chống dịch COVID-19, trên cơ sở tăng tốc các chiến dịch tiêm vaccine. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm nên việc tiếp cận vaccine ở nhiều nước, nhất là các nước kém phát triển còn gặp nhiều khó khăn. Thách thức này chỉ có thể được giải quyết nếu như việc chia sẻ vaccine được thực hiện một cách công bằng, thúc đẩy các chiến dịch tiêm chủng bao trùm trên phạm vi khắp thế giới.
Theo số liệu trên trang web thống kê worldometers.info, tính đến sáng 19/9, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới sắp chạm ngưỡng 229 triệu người, với 4,7 triệu ca tử vong. Trong khi đó, các nỗ lực tiêm chủng cũng đang được đẩy mạnh để khống chế sự lây lan chưa có điểm dừng của dịch bệnh. Theo số liệu trên ourworldindata, hiện có 42,9% dân số thế giới được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19. Tuy nhiên, tỷ lệ ở các nước thu nhập thấp lại hết sức khiêm tốn, chỉ ở mức 1,9% dân số.
Khai mạc khóa họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại lễ khai mạc khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 14/9. Ảnh: Getty Images/TTXVN |
Ngày 14/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi thế giới hãy nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, tình trạng biến đổi khí hậu và chấm dứt chia rẽ, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng do chính con người tạo ra.
Phát biểu tại lễ khai mạc khóa họp 76 Đại hội đồng LHQ (UNGA76), Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh, thế giới phải tập trung chống đại dịch, kẻ thù chung của loài người, cần tăng tốc chiến đấu với dịch hiệu quả hơn bằng cách cung cấp vaccine, thiết bị y tế, và phác đồ điều trị cho tất cả mọi người trên toàn cầu.
Ông cũng khẳng định mong muốn các nước hãy cam kết và giữ cam kết với những mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu sẽ được đưa ra tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow sắp tới.
Người đứng đầu LHQ kêu gọi chấm dứt chiến tranh trên khắp hành tinh, nhất là trong thời điểm hiện nay khi thế giới có quá nhiều thách thức và chia rẽ trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh, khoảng cách lớn giữa những người đã được tiêm chủng trong khi hàng triệu triệu người khác vẫn không thể tiếp cận vaccine COVID-19 và khoảng cách này lại do chính con người tạo ra, do chính các hệ thống kinh tế dựng lên rào cản đối với những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất. Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh, thế giới cần nỗ lực hơn nữa để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) mà LHQ đã đề ra, nhất là trong bối cảnh nhiều thành tựu về phát triển của thế giới đã bị đẩy lùi khá nhiều do đại dịch COVID-19.
Theo kế hoạch, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại New York, Mỹ từ ngày 21-24/9. Bối cảnh đại dịch hiện nay còn diễn biến rất phức tạp ngay cả tại New York hiện nay, nên việc Chủ tịch nước dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao tham gia và phát biểu tại tuần lễ cấp cao Đại hội đồng và các hoạt động lớn nhất trong năm của Liên hợp quốc tại các diễn đàn đa phương có một ý nghĩa rất đặc biệt, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cương vị là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong hai năm qua (2020-2021).
Tam giác AUKUS: Liên minh thế hệ mới tại Ấn Độ - Thái Bình Dương
Tuyên bố thành lập AUKUS được các bên đưa ra vào sáng 16/9. (Ảnh: Getty) |
Sáng 16/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu chung, trực tiếp thông báo về việc các nước này thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh 3 bên AUKUS, nhằm cùng nhau nâng cao năng lực an ninh và quốc phòng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Gọi đây là dấu mốc lịch sử, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: "Chúng ta đều nhận thấy sự cấp thiết của yêu cầu đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực năng động này trong dài hạn. Tương lai của chúng ta và thế giới phụ thuộc vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch và quan trọng bậc nhất thế giới".
Đồng tình với quan điểm của Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Scott Morrison còn cho rằng, mục tiêu đảm bảo sự ổn định đặt ra rất nhiều thách thức nên việc nâng cấp quan hệ an ninh 3 bên là điều tất yếu. Tuy nhiên, AUKUS sẽ mang lại lợi ích cho tất cả bởi cơ chế này "gắn kết và không loại trừ, đóng góp và không chiếm đoạt, cho phép và trao quyền, không kiểm soát hoặc ép buộc".
Ông Morrison mô tả đây là mối quan hệ đối tác thế hệ tiếp theo, được xây dựng trên nền tảng vững chắc của sự tin tưởng đã được chứng minh. Về phía Anh, Thủ tướng Boris Johnson tái khẳng định nhiều lần, rằng khi 3 bên có chung mục tiêu và đều bày tỏ mong muốn được góp sức, thì khoảng cách địa lý sẽ không ngăn nổi quyết tâm của họ.
Đảm bảo sự ổn định chiến lược tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là mục tiêu tiên quyết trong việc thành lập AUKUS. Theo giới chuyên gia, sự ra đời "lịch sử" của tam giác AUKUS có tính răn đe lớn đối với những bên có tham vọng bành trướng và hành động gây hấn, khiêu khích tại khu vực quan trọng này.
Nhật Bản: Đảng cầm quyền khởi động chiến dịch tranh cử chức Chủ tịch
Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono (phải), cựu Bộ trưởng Nội vụ và truyền thông Sanae Takaichi (giữa) và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida. (Ảnh: Kyodo) |
Ngày 17/9, cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã chính thức bắt đầu với việc các ứng cử viên chính thức nộp đơn đăng ký tranh cử.
Cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch LDP năm nay rất quyết liệt và hứa hẹn nhiều bất ngờ khi có tới 4 ứng cử viên tham gia.
Các ứng cử viên này gồm Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, cựu Bộ trưởng Nội vụ và truyền thông Sanae Takaichi và quyền Tổng Thư ký Điều hành LDP Seiko Noda.
Trong chiến dịch tranh cử kéo dài từ nay tới trước ngày bỏ phiếu, các ứng cử viên sẽ phải nỗ lực hết sức để chứng tỏ mình là người phù hợp nhất để kế nhiệm Thủ tướng Suga Yoshihide, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch LDP vào ngày 30/9 tới và không ra tranh cử đợt này.
Thông thường, các ứng cử viên sẽ đi vận động tranh cử ở các địa phương và có các bài phát biểu để thu hút sự ủng hộ của các đảng viên, tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động vận động tranh cử cũng như các cuộc tranh luận sẽ được tổ chức trực tuyến.
Các vấn đề như biện pháp đối phó với COVID-19, chính sách khôi phục kinh tế - xã hội, chính sách đối ngoại dự kiến sẽ là các vấn đề trọng tâm trong hoạt động tranh cử giữa các ứng cử viên. LDP dự kiến sẽ tổ chức bỏ phiếu bầu chủ tịch mới vào ngày 29/9. Ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ nhiều khả năng trở thành Thủ tướng Nhật Bản do LDP đang nắm đa số ghế tại Hạ viện.
Nga: Bầu cử vào Duma Quốc gia đã bắt đầu
Ảnh chụp ngày 8/9 ở St.Petersburg, tại một trạm xe buýt được trang trí bằng các áp phích bầu cử Hạ viện. (Ảnh: AP) |
Ngày 17/9, tại Nga bắt đầu diễn ra cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia (tức Hạ viện). Những điểm bỏ phiếu đầu tiên đã được mở ở vùng Viễn Đông.
Theo kế hoạch, cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia Nga khóa VIII được tổ chức vào Ngày Bầu cử Thống nhất - 19 tháng 9 năm nay. Theo đề nghị của Cơ quan Kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga, Uỷ ban Bầu cử Trung ương đã kéo dài thời gian bỏ phiếu thêm ba ngày - 17, 18 và 19 tháng 9. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm COVID-19, trong điều kiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Tổng thống V.Putin đánh giá cuộc bầu cử này là sự kiện quan trọng nhất, bởi bất kỳ ai cũng muốn những người có uy tín và tích cực, thực hiện cam kết của mình được bầu vào Hạ viện. Ông nhấn mạnh mọi người đều quan tâm để những người có trách nhiệm, năng động, có uy tín, chứng minh cho hy vọng và sự tin tưởng của người dân Nga.
Duma Quốc gia là một trong hai Viện của Quốc hội Liên bang, cơ quan lập pháp cao nhất ở Nga. Duma Quốc gia được bầu với nhiệm kỳ 5 năm theo hệ thống bầu cử hỗn hợp: 225 nghị sỹ được bầu theo các danh sách đảng phái, 225 nghị sỹ khác được bầu theo các khu vực bầu cử bầu ra một ứng cử viên duy nhất trong một vòng. Hơn 5800 ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử lần này.
Gần 250 quan sát viên quốc tế từ 55 quốc gia đã xác nhận đến Nga để đánh giá cuộc bầu cử này. Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga khẳng định sẽ rất tôn trọng các quan sát viên quốc tế và đảm bảo cho họ tất cả các điều kiện cần thiết để quan sát đầy đủ./.
Theo dangcongsan.vn