Triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018
Publish date 02/04/2018 | 14:30  | View count: 5112

Ảnh minh họa (nguốn Internet)

Luật Bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội đã được Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan ban hành cơ bản đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Theo lộ trình quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nhiều quy định đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016; riêng Điểm b Khoản 1 Điều 2 quy định về người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; Khoản 2 Điều 2 quy định người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; quy định về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018.

Để thực hiện nghiêm các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đặc biệt là những quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung sau:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; quy định về mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định.

Sở Tài chính: Trên cơ sở danh sách các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và số kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ trên địa bàn toàn tỉnh do Bảo hiểm xã hội tỉnh cung cấp, Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính xem xét, bổ sung cho địa phương theo quy định.

Bảo hiểm xã hội tỉnh:  Chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ.

Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là lao động hợp đồng từ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm xã hội.

Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức Hội, Đoàn thể tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát thực hiện pháp luật Bảo hiểm xã hội đến người dân, đoàn viên, hội viên.

Xem chi tiết tại đây

H.N