TIN KINH TẾ - XÃ HỘI

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng
Ngày đăng 20/04/2018 | 14:36  | View count: 3739

Sáng 20/4, tại Thủ đô Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có đồng chí Cao Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành cấp tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Nông


Theo Bộ Xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi rất rộng, phức tạp, có đặc thù riêng và cần có sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn công trình, tính mạng và tài sản của người dân, bảo đảm hiệu quả quản lý sử dụng vốn, chống lãng phí, thất thoát. Vì vậy, đến thời điểm này, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác.

Thời gian qua, hệ thống pháp luật trong đầu tư xây dựng đã ngày càng được hoàn thiện góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chất lượng công trình được nâng cao. Nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách có liên quan đến đầu tư xây dựng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ. Tuy nhiên, hiện nay  ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến kết thúc dự án đưa vào sử dụng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, rất cần được tiếp tục đánh giá và có giải pháp tháo gỡ. Trong đó, ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư ghi nhận rất nhiều khó khăn, vướng mắc, liên quan chủ yếu đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Xây dựng; Giai đoạn thực hiện dự án bắt đầu từ khi có quyết định phê duyệt dự án đến khi kết thúc xây dựng, các vướng mắc chủ yếu liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư; Trong giai đoạn kết thúc xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác, hiện còn nhiều vướng mắc khiến dự án kết thúc giai đoạn xây dựng nhưng không thể đưa vào vận hành, khai thác; Thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án bị kéo dài so với quy định; Công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành còn chậm…

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc như đã nêu, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất một số giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, sửa đổi, bổ sung ngay những quy định không còn phù hợp và đã được đánh giá tác động. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực thống nhất và tính khả thi của hệ thống pháp luật, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành đề xuất, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được giao theo đề xuất của Bộ Xây dựng, tránh việc sửa đổi rải rác từng luật thì không thể tháo gỡ kịp thời và khả thi các vướng mắc trong thực tiễn. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề xuất việc nghiên cứu, đề xuất các dự án Luật mới nhằm giải quyết các tồn tại theo yêu cầu của thực tiễn. Cụ thể như xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, trong đó có quy định về trình tự, thủ tục, nội dung, quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan trong quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển đô thị; Xây dựng Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó quy định kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng dự án đã được ký kết có tính pháp lý cao nhất, là cơ sở để xác định giá sản phẩm, dịch vụ của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư…

Trước tồn tại, bất cập đã nêu trong Báo cáo của Bộ xây dựng và ý kiến tham luận của các bộ, ngành địa phương tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một số định hướng tháo gỡ, khắc phục. Cụ thể, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư triển khai theo đúng tiến độ với chất lượng cao; Đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng: Các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết thì kiên quyết loại bỏ hoặc lồng ghép trong các thủ tục khác. Bộ Xây dựng cũng như các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp thu các ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của các hiệp hội, chủ đầu tư, các doanh nghiệp để có văn bản chỉ đạo cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, hệ thống định mức và giá xây dựng… để tăng cường quản lý đầu tư xây dựng; Phải tăng cường đối thoại tháo gỡ khó khăn vướng mắc vì nhiều vấn đề không thể tháo gỡ ngay được. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời đúng trọng tâm, nội dung kiến nghị của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp và kịp thời đối với các vướng mắc, kiến nghị thuộc phạm vi quản lý của mình; hoàn thiện Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng…

Sam Nguyễn