TIN KINH TẾ - XÃ HỘI

Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư các nguồn lực cho Tây Nguyên
Ngày đăng 29/10/2018 | 08:10  | View count: 14857

Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019… Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Võ Đình Tín đã tham gia phát biểu.

Theo đó, đại biểu Võ Đình Tín đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong 3 năm và năm 2018 đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cho rằng những kết quả đã đạt được sẽ tạo tiền đề phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Trong đó, đại biểu Võ Đình Tín đặc biệt nhấn mạnh: Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững cho vùng Tây Nguyên, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng như: Các địa phương có tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân trên 7%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa từ những sản phẩm thế mạnh của vùng miền; cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm mỗi năm 4% (hiện nay còn 28,45 %); đời sống của đồng bào được cải thiện hơn trước; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ quản lý điều hành ở địa phương.

Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín. Ảnh Truyền hình Quốc hội
 

Tuy nhiên, đại biểu Võ Đình Tín cũng chỉ ra rằng, đến nay cơ sở hạ tầng ở vùng Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn và tụt hậu so với mặt bằng chung của cả nước; giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Do vậy, đại biểu đã kiến nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề nhằm tạo động lực vùng Tây Nguyên phát triển tiệm cận với các vùng miền khác trong cả nước.

Cụ thể, điều đầu tiên Chính phủ cần quan tâm đó là việc nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển du lịch chung của vùng trên cơ sở liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp; thúc đẩy hình thành và phát triển giá trị các chuỗi liên kết đối với các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực của vùng, quan tâm đầu tư công nghệ chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Thứ hai, hạ tầng giao thông hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên, hiện tại chỉ có Quốc lộ 14 là con đường độc đạo liên kết với các tỉnh trong vùng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm nâng cấp và phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, trước mắt đầu tư nâng cấp Quốc lộ 27, Quốc lộ 28 từ Đắk Lắk, Đắk Nông đi Lâm Đồng và các tỉnh Duyên hải Miền trung, có định hướng xây dựng đường cao tốc kết nối Tây Nguyên với TP Hồ Chí Minh, lập lộ trình đầu tư xây dựng tuyến đường sắt từ Đăk Nông đến cảng Kê Gà- Bình Thuận và các tỉnh miền Đông nam bộ, tiếp tục đầu tư nâng cấp các sân bay hiện có trong khu vực, nhằm tạo cơ hội lớn cho Tây Nguyên đẩy mạnh khai thác các tiềm năng thế mạnh trong khu vực.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư cho giáo dục của các tỉnh miền núi, Tây Nguyên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; có chính sách đãi ngộ trong đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tây Nguyên để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trong cả nước.

Thứ tư, đề nghị Bộ Tài chính khi tính giao dự toán ngân sách hàng năm ngoài việc dựa trên số liệu về dân số của cơ quan Thống kê cần phải tính đến yếu tố đặc thù về di dân tự do đến các tỉnh Tây Nguyên chưa thống kê được để phân bổ cho phù hợp.

T.T